• Trang chủ
  • Tài chính
  • Tương lai của tiền số: Cảnh báo nguy cơ bị lừa bởi lợi nhuận khủng khiếp
404 lượt xem

Tương lai của tiền số: Cảnh báo nguy cơ bị lừa bởi lợi nhuận khủng khiếp


Kênh thông tin tài chính Mỹ CNBC cho rằng, sự không chắc chắn về giá trị của Bitcoin trong tương lai gần cũng như diễn biến khó lường trên thị trường tiền số dẫn đến sự hạn chế nhu cầu về Bitcoin và các loại tiền số khác với vài trò là phương tiện trao đổi.

Việc b á n tháo gần đây đối với Bitcoin – đồng tiền số phổ biến nhất thế giới, là một lời cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư bị đánh lừa bởi lợi nhuận khủng khiếp do đồng tiền mã hóa này mang lại. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của các loại tiền tệ truyền thống và gióng lên lời cảnh báo về sự rủi ro liên quan đến tiền số.

Đồng Bitcoin đã giảm giá xuống mức 30.000 USD hồi tuần trước do tác động tiêu cực của một loạt tin xấu đối với đồng tiền có vốn hóa lớn nhất trên thị trường tiền số, đó là các quy định của Trung Quốc và Mỹ nhằm siết chặt giao dịch tiền điện tử và quyết định của CEO Tesla về dừng thanh toán tiền mua xe bằng Bitcoin.

Bitcoin vẫn tăng hơn 200% so với tháng 9/2020 và 27% kể từ đầu năm tới nay. Những con số trên cho thấy mức độ biến động lớn vẫn tồn tại trong thị trường tiền số so với thị trường tiền tệ truyền thống.

Số phận của Bitcoin, Ether ra sao khi các ngân hàng trung ương ra tiền mã hóa?

Nghiên cứu của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng, tích trữ tiền mã hóa trong tương lai. 59% số người tham gia khảo sát của EIU đồng ý với quan điểm tiền số phát hành bởi ngân hàng trung ương sẽ kích thích sự phát triển các dạng tài sản số hay tiền mã hóa không được chính phủ công nhận.

Theo Business Insider, tiền kỹ thuật số phát hành bởi ngân hàng trung ương là một loại trách nhiệm pháp lý – giống như USD – được phát hành dưới dạng kỹ thuật số.
Vị thế của Bitcoin có thể bị lung lay khi các ngân hàng trung ương phát hành tiền kĩ thuật số riêng.

Bên cạnh đó, 78% người tham gia cuộc khảo sát là các tổ chức và doanh nghiệp. Họ coi việc phát hành tiền mã hóa của các ngân hàng trung ương là bước đi cần thiết, thiết lập thị trường dành riêng cho công cụ tài chính mới như trái phiếu kỹ thuật số. Đồng thời, hoạt động này giúp củng cố vai trò của tiền mã hóa.

“Khi người dân bắt đầu quen với việc sử dụng tiền kỹ thuật số, họ sẽ thoải mái hơn với việc sử dụng những loại tiền mã hóa khác”, EIU dẫn lời Henri Arslanian, lãnh đạo PwC, một trong những công ty dịch vụ tài chính và kiểm toán lớn nhất thế giới.

Dù xuất phát muộn trong cuộc đua tiền kỹ thuật số, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ có sức ảnh hưởng trong thị trường tiền tệ thế hệ mới.

Theo ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Fed đang lên kế hoạch thúc đẩy việc ra mắt tiền USD kỹ thuật số. Chính phủ Trung Quốc đã khởi động chương trình thí điểm đồng NDT kỹ thuật số quy mô lớn. Vương quốc Anh đang nghiên cứu việc phát hành tiền số với tên gọi “Britcoin”. Ngân hàng trung ương tại Thuỵ Điển cũng vừa thử nghiệm tiền kỹ thuật số E-krona.

Tháng 10/2020, Bahamas trở thành quốc gia đầu tiên tung ra thị trường phiên bản kỹ thuật số của tiền pháp định, Sand Dollar.

Tiền số đang bị “siết”

Lo ngại về nguy cơ trốn thuế bên trong các giao dịch tiền số, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã kêu gọi tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS).
Bộ Tài chính Mỹ thông báo đang thực hiện các bước để siết chặt thị trường cũng như các giao dịch tiền số, trong đó nhấn mạnh bất kỳ giao dịch tiền số nào trị giá từ 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo cho IRS.
Trước đó, Bloomberg đưa tin, Sở Thuế vụ Mỹ và Bộ Tư Pháp Mỹ (DOJ) đã vào cuộc điều tra Binance vì nghi ngờ sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới này có hành vi rửa tiền, trốn thuế. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng tiền mã hoá đang được sử dụng để che giấu các giao dịch bất hợp pháp, bao gồm cả trộm cắp, buôn bán ma tuý.

Cuộc điều tra này nhằm loại bỏ tận gốc những hoạt động bất hợp pháp trong thị trường tiền số đang vô cùng sôi động song hầu như không được kiểm soát.
Theo quy định mới, các tài khoản giao dịch tiền mã hoá, tài sản điện tử, cũng như tài khoản dịch vụ thanh toán chấp nhận tiền mã hoá sẽ được quản lý. Cũng như các giao dịch tiền mặt, những doanh nghiệp nhận tài sản điện tử có giá trị trên thị trường hơn 10.000 USD cũng sẽ được báo cáo lên cơ quan thuế.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến tiền điện tử và cảnh báo không được giao dịch. Tiền điện tử, chẳng hạn như Bitcoin được Tesla chấp nhận trong thời gian ngắn, hiện đã bị cấm đối với các doanh nghiệp tài chính Trung Quốc.

Thông báo này được đưa ra bởi 3 cơ quan trong ngành tài chính Trung Quốc, bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, cùng Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc. Các cơ quan này cho biết quyết định được đưa ra vì những rủi ro trong giao dịch tiền điện tử.

Các ngân hàng và công ty thanh toán trực tuyến không được cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền điện tử, bao gồm: đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán. Trao đổi tiền điện tử và cung cấp tiền điện tử cũng bị cấm.

Hiện, các nhà lập pháp Australia đang xem xét quy định buộc các nhà cung cấp, các công ty môi giới tiền điện tử phải chia sẻ thông tin khách hàng và các giao dịch đã thực hiện, để chống lại nạn rửa tiền đang ngày có xu hướng gia tăng ở Australia.

Quy tắc này hướng tới mục tiêu tạo ra một lộ trình kiểm toán minh bạch hơn, giúp các nhà quản lý nắm được thông tin về người thanh toán và người nhận thanh toán, thông qua đó góp phần xác định và truy tố thành công các hành vi rửa tiền, tội phạm khai thác mã độc tống tiền doanh nghiệp và người dân.

(Fb Healer UG)

Vote sao