454 lượt xem

Mạn đàm vài lời về đồng PI đang hot


Nếu xem clip youtube giảng về Blockchain cơ bản của TS Stanford Nicolas giáo chủ bang Pi, thì TS có nói giá trị băm của khối trước nằm trong block của khối sau, nói chung đơn giản hóa để đại chúng hiểu về concept thì cũng được, nhưng thực tế thì nó phức tạp hơn rất nhiều, nên không bắt lỗi giáo chủ, mà bắt lỗi cao thủ Andreas Antonopoulos, tác giả mấy cuốn sách thuộc hàng kinh điển nhất Mastering Bitcoin, thì có chỗ sai khá cơ bản là trong mã nguồn của bitcoin, Satoshi không lấy mã băm của toàn block như code của Antonopoulos đã dẫn mà chỉ lấy mã băm của block header thôi, vì mã băm của các giao dịch trong block đã nằm trong block header rồi chính là Merkle root. Câu hỏi đặt ra tại sao phải dùng cây Merkle lằng nhà lằng nhằng mà không băm một phát SHA256 vừa nhanh vừa gọn? Nói thêm Merkle tree được dùng rất phổ biến trong thế giới Blockchain.

Câu tiếp theo sao thường phải băm liên tiếp 2 lần SHA256 trong nhiều trường hợp?

Đã thôi rồi mà các bạn Pi lại réo tên mình nhiều quá, làm anh em lại inbox hỏi nhiều thôi thì đăng lên đây để trả lời 1 thể. Bạn Dinh vừa làm cái thống kê là Pi hiện có khoảng 40k node trong đó có 9k node là đang kết nối, thế là anh em Pi lại trầm trồ là Pi có số node gấp 4 lần Bitcoin, và gấp 2 lần ETH, rồi nhẩy lên ăn mừng, vui hết biết. Rồi lại bảo đấy anh Dinh mới là tiến sĩ chứ ông Tuấn biết gì, haiz, haiz.

Thôi lần này nữa để các bạn sáng ra chút nhé. Bitcoin và Eth không bao giờ 1 node hay 1 máy còi còi của Pi node có thể đào được nhé, Bitcoin và Eth hay các đồng khác người ta phải dùng khái niệm mỏ (pool), để đào, mỗi mỏ này có 1 địa chỉ IP là 1 full node, đằng sau 1 cái địa chỉ này là hàng chục hàng trăm ngàn máy, Pi tuổi gì mà đòi so.
Ví dụ mỏ này https://www.okex.com/pool

đã có 16 ngàn máy đang active (Pi có 9 ngàn đang active) mà cái mỏ này mới chỉ là 0.7% thôi nhé, xem đây: https://btc.com/stats/pool

Tôi thấy khá là buồn cười cho cái sự đã không hiểu biết mà lại còn đi chởi bới tùm lum, máy đào của Pi toàn máy Laptop với desktop nhà trồng được, thì làm sao so được với cả farm hàng chục ngàn máy với nhiều card GPU trong 1 máy mà đòi so, đòi mừng, nên nhớ 1 pool tính là 1 địa chỉ full node nha, có cỡ 10k mỏ như thế.

Nói thêm: những gì tôi nói về Pi vẫn hoàn toàn chính xác và các con số thống kê hiện nay càng chứng minh cho những gì tôi nói. Pi network trên app hoàn toàn không nối với mạng Pi node, 13 triệu người hiện nay vẫn chui ra chui vào 1 máy chủ tập trung (không có nối với blockchain nào hết), và cũng chưa có địa chỉ ví trên mobile app.

Mạng testnet thì hoàn toàn tách biệt và chạy Stellar, và các vị đã thấy người ta có thể tự cho bản thân 100 tỷ Pi, còn những user còn lại nhiều nhất chưa đến 10k Pi. Chưa kể cái máy chủ của 13 triệu người kia còn hoàn toàn tù mù hơn rất nhiều.


Có nhiều bạn hỏi tôi đào PI có thành vàng như Bitcoin được không, hôm nay ngồi biên tút này để trả lời và biết đâu có thể giúp được cho ai đó hiểu hơn, bạn nào không tin tôi và luôn tin PI thì bỏ qua nhé (quyền của bạn), đừng tranh luận hay còm ở đây, vì tôi không có thời gian để trả lời và cũng không thích cãi nhau (quyền của tôi). Sau khi tìm hiểu, cài app, đọc white paper thì có thể nói có rất nhiều dấu hiệu là một dự án scam, lừa đảo.

Ngoài những bài đã viết (cả người nước ngoài lẫn trong nước) đã phân tích là dự án chưa có mã nguồn mở, chưa có mainnet, có nhiều dấu hiệu scam… Tôi chỉ bổ sung thêm mấy ý: Có nhiều bạn cho rằng đào PI đang không mất gì mà biết đâu một ngày nào đó sẽ có giá trị như Bitcoin thì sao. OK, bạn cứ việc tin, không ai đánh thuế hay ép buộc bạn cả nhưng:

a/ Cái chắc chắn các bạn sẽ mất: thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID…, thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là “vòng tròn tin tưởng” khá giống đa cấp.

b/ Cái bạn được: là ước mơ sẽ giàu lên vào 1 ngày nào đó (biết đâu đấy). Nhưng tôi thì không tin vì:

– Đến thời điểm này chưa có giao dịch nào được thực hiện, vậy thì đào có tác dụng gì? Đào là một quá trình để xác thực các giao dịch, mà chưa có ledger/blockchain chưa có giao dịch thì đào xác thực cái gì. Ngay cả cái xác thực dựa trên “vòng tròn tin tưởng” cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó.

– Bạn có tài khoản nhưng không có private key, không có địa chỉ ví thì sau này làm sao mà bạn chuyển tiền hay tiêu tiền được, tiền mã hoá bao giờ cũng phải có private key mới tiêu được ạ, khác với loại ví điện tử như momo/zalopay… thì không cần private key vì những ví này không phải dựa trên blockchain.

– Tiền mà bạn đào được vì không có mainnet hay testnet không có chỗ nào để lưu (chưa có ledger hay blockchain) thì có nghĩa là tiền của bạn chỉ lưu ở mỗi máy của bạn hoặc trên server tập trung, mà trên server thì admin tha hồ thay đổi, họ muốn tạo ra bao nhiêu mà chẳng được, ai mà biết được (mã nguồn thì đóng), mà khi tiền đã như vỏ hến, muốn tạo ra bao nhiêu cũng được thì nó chẳng có giá trị gì.

– Một nguyên tắc bất di bất dịch trong blockchain là minh bạch, Mainnet cuối năm mới có thì thôi nhưng dự án hiện đã có app mobile (PI Network) và backend server thì tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét? Tại sao phải đóng? Câu trả lời hiện vẫn chưa có. Với việc đóng mã nguồn ai sẽ là người kiểm soát liệu chủ dự án có tự thưởng cho mình hàng tỷ Pi hay không? Chúng ta có đào hàng trăm năm cũng không bằng 1 giây chủ dự án tự thêm số 0 vào tài khoản của mình.

– Cái mà chủ dự án PI được: thông tin cá nhân của 13 triệu người dùng, và 1 active user base lớn (ngày nào cũng phải vào điểm danh, và bắt tay với thần Thor). Có lượng người dùng lớn trong tay thì các bạn có thể hình dung kiếm tiền không khó như nào rồi đấy.

Tóm lại, bạn có quyền hàng ngày đi nhặt sỏi đá về nhà và có thể ước mơ đến ngày nào đó biết đâu đấy thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng, nhưng hãy cân nhắc những được mất tôi phân tích ở trên nhé.

(Fb Đặng Minh Tuấn)

4/5 - (1 bình chọn)