485 lượt xem

Metaverse: Liệu con người có thể tạo ra một thế giới song song với hiện thực?


Thời điểm cuối năm ngoái tới đầu năm nay chứng kiến sự bùng nổ của NFT, DeFi. Các nhà phát hành game cho ra đời chế độ play-to-earn tạo ra cơn sốt lớn, trong đó đặc biệt phải kể đến sự thành công của Axie Infinity. Như một chiếc nút bấm kích hoạt, sự thành công của Axie tạo ra làn sóng khiến cho thị trường kể từ đó liên tục đón nhận các dự án GameFi.
Trong khi một số nhà phát triển game tạo thêm tính năng play-to-earn và vẫn giữ concept gameplay tạm gọi là ‘truyền thống’, một số khác đã bắt đầu suy nghĩ tới việc tạo ra một thế giới ảo thực sự – nơi người chơi có thể tương tác, trải nghiệm, khám phá và tạo ra giá trị – Welcome to METAVERSE.

METAVERSE LÀ GÌ?

Metaverse là một thuật ngữ được đặt ra trong khoa học viễn tưởng, là sự kết hợp của tiền tố “meta” có nghĩa là vượt ra ngoài và universe – “vũ trụ”. Metaverse về bản chất là một thế giới ảo, tồn tại song song với thế giới thực tại được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm về thế giới ảo một cách chân thực nhất.
Hãy tưởng tượng ở trong vũ trụ nơi bạn nhập vai vào Captain America, bạn có nhiệm vụ chính là chiến đấu với những kẻ xấu tại New York. Nhưng bạn cũng có thể bắt taxi đến Gotham để vật tay với Batman nếu muốn, hay là bay lên Asgard để uống rượu cùng Thor,…
Thuật ngữ “Metaverse” ngày nay đã được biết đến rộng rãi do tính ứng dụng của công nghệ thực tế ảo, đặc biệt phải kể đến ngành công nghiệp game. Một số tựa game Metaverse nổi bật có thể kể đến Minecraft, GTA V, Roblox. Bên cạnh đó cũng có những cái tên của Blockchain game như The SandBox, Decentraland, dự kiến sẽ tạo nên những cơn sốt cực kỳ mạnh mẽ trong tương lai.

TẠI SAO CHÚNG TA LUÔN BỊ CUỐN HÚT BỞI METAVERSE?

Trong suốt tiến trình lịch sử, khát vọng nguyên thủy của loài người là khám phá và chinh phục. Chúng ta muốn vượt qua những đại dương bao la, chinh phục đỉnh núi cao nhất, khám phá những bí ẩn trong vũ trụ,… Tuy nhiên, với giới hạn về mặt công nghệ và nguồn lực tài chính,… con người vẫn chưa thể hoàn thành được công cuộc chinh phục của mình một cách trọn vẹn. Điển hình là nhu cầu chinh phục vũ trụ. Du lịch vòng quanh thế giới hiện tại đã trở nên dễ dàng và phổ biến hơn rất nhiều đối với con người. Và dần dần, việc khám phá Trái Đất sẽ không còn hấp dẫn như trước nữa, mục tiêu chúng ta nhắm tới tiếp theo đó chính là vũ trụ.
Tuy nhiên, việc phát triển tên lửa cũng như các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc khám phá vũ trụ hiện nay là rất tốn kém, mọi thứ mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các rào cản về nguồn lực không theo kịp được nhu cầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng Metaverse để tạo ra những trải nghiệm vũ trụ dựa trên các lần thử nghiệm. Nhờ vậy, những người tham gia vào Metaverse sẽ được trải nghiệm khám phá vũ trụ với cảm giác gần gũi và chân thực nhất nhờ các công cụ thực tế ảo tăng cường (AR,VR,…).

CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN – BƯỚC ĐỘT PHÁ CỦA METAVERSE

Có thể thấy rằng trong các nền tảng game nhập vai truyền thống như Fortnite, Minecraft, gần như không có khả năng tương tác với nhau giữa các game. Người chơi không thể di chuyển hoặc trao đổi một vật phẩm rất hiếm trong Fortnite để lấy một vật phẩm tương đương trong Minecraft được.
Ngoài ra, tài sản chúng ta đang sở hữu cũng không thực sự thuộc về chúng ta trong các tựa game này. Các tựa game truyền thống chưa nghĩ đến hoặc chưa thể nghĩ ra giải pháp để tăng tính sở hữu & tính cá nhân hóa cho người chơi.
Với sự phát triển của công nghệ Blockchain, sự ra đời của DeFi và GameFi, người chơi giờ đây đã có thể sở hữu NFT trong game như 1 tài sản kỹ thuật số, có giá trị thưc tế và có thể trao đổi buôn bán để kiếm lợi nhuận. Điều này là nền tảng cho việc tạo nên nền kinh tế trong Metaverse, giúp người chơi kiếm được tiền và tạo ra giá trị từ thế giới ảo. Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ cross-chain vào Metaverse cho phép các NFT từ các game khác nhau có khả năng tương tác thực sự, việc người chơi trao đổi NFT từ các game với nhau sẽ trở thành hiện thực. Hãy tưởng tượng người chơi giờ đây có thể trao đổi 1 mảnh đất trong Minecraft lấy những vật phẩm quý hiếm trong Fortnite.
Cấu tạo blockchain của Metaverse (như hình ảnh):
  • Layer 1: Ở lớp nền tảng sẽ là các Blockchain, đặc biệt là các Blockchain có khả năng mở rộng cao và thiết kế với khái niệm Internet of Blockchain như Polkadot, Avalanche hay Cosmos, hoặc cũng có thể là Solana, Near và hoặc các Blockchain có khả năng lưu trữ cao như Mina Protocol,…
  • Layer 2: Đó chính là các ứng dụng phi tập trung(Dapps) được build trên nền của các Blockchain. Có thể là NFT, các ứng dụng phi tập trung xây dựng theo hướng Metaverse Gaming thuần như Decentraland và The Sandbox. Hoặc đơn thuần là các nền tảng DeFi phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong Metaverse sau này.
  • Layer 3: Chính là các cầu nối Cross-chain giúp cho các hệ sinh thái Metaverse được liên kết với nhau. Ở lớp này, khả năng sáng tạo, mở rộng và tương tác sẽ được tối ưu hóa.
  • Layer 4: True Metaverse – Đây là Layer cuối cùng của Metaverse, khi các Layer dưới phát triển tới một mức nào đó thì chúng ta sẽ có một Metaverse đúng nghĩa.

TIỀM NĂNG CỦA METAVERSE

Một khi các sản phẩm, công cụ về thực tế ảo như AR, VR được phổ biến rộng rãi, đây sẽ là nền tảng cho thị trường Metaverse Gaming phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Theo nghiên cứu đến từ LD Capital (quỹ đầu tư vào công nghệ Blockchain lâu đời tại Trung Quốc), nền công nghiệp Metaverse sẽ bao gồm 2 thành phần chính:
  • Nền công nghiệp phần cứng: Bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phần cứng (chip, linh kiện điện tử, các thiết bị thực tế ảo tăng cường,…) là cơ sở hạ tầng nâng cao trải nghiệm cho Metaverse.
  • Nền công nghiệp nội dung: Là tất cả những nền tảng (chủ yếu là game) giúp chúng ta có thể đắm chìm trong Metaverse.
Đối với ngành công nghiệp phần cứng, trong năm 2020, ngành công nghiệp này trên toàn cầu có giá trị khoảng $862B với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 9.4%. Còn đối với ngành công nghiệp Game thì đang có giá trị khoảng $170B. Một số những loại tài sản kỹ thuật số trong game cũng có giá trị rất cao (gần đây, một NFT bất động sản ảo gồm 259 lô đất ở trong tựa game Decentraland đã được bán với giá hơn 900.000 đô la).
⇒ Từ đó dẫn đến việc ngành công nghiệp này được dự phóng có thể đạt tới con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD.
Những ông lớn nghĩ gì về Metaverse?
Vào cuối tháng 6 năm nay, Mark Zuckerberg đã nói với các nhân viên của mình tại Facebook rằng họ sẽ làm việc để giúp đem Metaverse vào trong cuộc sống. Công ty đã tập hợp một nhóm các giám đốc điều hành của mình để dẫn đầu dự án, bao gồm người đứng đầu sản phẩm Instagram Vishal Shah và Vivek Sharma và Jason Rubin của Facebook Gaming.
Các gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, Sony cũng đã cùng Facebook thành lập nên XR Association – một liên minh với tham vọng phát triển Metaverse.
Tim Sweeney – CEO công ty Epic Games, công ty đứng sau tựa game Fortnite, cũng đã chia sẻ góc nhìn về Metaverse. Ông cho rằng đây là một thị trường rất tiềm năng trong tương lai, vì vậy vị CEO này muốn phát triển Fortnite thành Metaverse.

LOOT – DỰ ÁN ĐẶC BIỆT CÓ THỂ TRỞ THÀNH CUỘC CÁCH MẠNG CHO METAVERSE

Giới thiệu một cách đơn giản về Loot thì khi bạn bấm mint trong hợp đồng của Loot, bạn sẽ nhận được một khung hình gồm 8 dòng chữ miêu tả cho 8 trang thiết bị thám hiểm. Ban đầu sẽ có 8000 NFT này được mint ra, với 8 dòng chữ ngẫu nhiên và không hề có công cụ nào để đo lường độ hiếm.
Tưởng như chỉ là một ‘trò đùa của tạo hóa’ nhưng rồi bắt đầu có những người dùng đầu tiên, rồi thứ hai,… thiết kế ra hình dáng của những thiết bị này. Rồi lại có người thiết kế ra website để tự tạo dựng một nhân vật được trang bị 8 vật phẩm này. Có người còn muốn thiết kế hẳn 1 bản đồ thế giới cho Loot.
Thay vì các nhà sáng tạo (creator) là người tạo nên NFT, các nhà sưu tầm (collector) của Loot mới chính là những người tự tạo nên NFT. Cách tiếp cận cộng đồng theo phương pháp Bottom up của họ vô cùng hiệu quả. Chỉ từ một ý tưởng kỳ quặc là NFT với 8 dòng chữ màu trên nền đen, Loot đã xây dựng cho mình một cộng đồng vô cùng rộng lớn.
Điểm khác biệt là so với các dự án trước đây đã có sẵn thế giới, có sẵn cốt truyện, thế giới của Loot được chính người dùng vẽ nên. Điều này có thể tạo nên một cách tiếp cận mới trong việc phát triển Metaverse, với mục tiêu trở thành thế giới song song mà ở đó chính mỗi cá nhân sẽ góp một phần công sức để tạo dựng.

THÁCH THỨC

Mặc dù đang có ngày càng nhiều các dự án/công ty lớn muốn phát triển Metaverse để tạo nên một thế giới ảo thực sự, tuy nhiên Metaverse hiện vẫn mới đang ở giai đoạn đầu cũng như không thể tránh khỏi vấp phải những thách thức trước khi thực sự trở thành 1 xu hướng, hay xa hơn là 1 ngành công nghiệp. Đối với Metaverse tích hợp công nghệ Blockchain, chúng ta có thể thấy rằng nó chưa thực sự phát triển bởi các lý do sau:
  • Layer nền tảng chưa phát triển hoàn chỉnh. Hiện tại hệ sinh thái lớn nhất là Ethereum, tuy nhiên khả năng mở rộng (scalability) hiện đang là một vấn đề rất lớn của ETH (có thể cải thiện trong tương lai với Ethereum 2.0)
  • Các Blockchain với Concept Internet of Blockchain mới chỉ có những bước đầu trong việc tạo nên một hệ sinh thái.
  • Các Dapps Gaming thuần Metaverse hiện tại như The Sandbox hay Decentraland cần thời gian để phát triển các tính năng game nhằm thu hút người dùng nhiều hơn.
  • Ngoài ra, công nghệ Cross-chain vẫn chưa hoàn chỉnh, bằng chứng đó là chúng ta có thể thấy được rất nhiều vụ hack liên quan đến Cross-chain thời gian gần đây như các trường hợp của Pancake Bunny Finance hay Poly Network.

LIỆU METAVERSE CÓ TRỞ THÀNH TƯƠNG LAI?

Sau tất cả, còn khá sớm để có thể kết luận Metaverse sẽ tác động ra sao tới thế giới hiện thực của con người. Mặc dù hiện tại trong lĩnh vực nghệ thuật, trò chơi đã bắt đầu xuất hiện nhiều ứng dụng của Metaverse, nhưng vẫn chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Metaverse vẫn có tiềm năng phát triển và có thể trở thành xu hướng của tương lai, giống như cách Trí Thông Minh Nhân Tạo (Artificial Intelligence) đã tạo nên cuộc cách mạng trong lịch sử công nghệ của nhân loại. Hãy cùng đón chờ xem Metaverse có thể đi xa tới đâu và vai trò của nó trong công nghệ nói riêng cũng như đời sống của con người nói chung là gì nhé.
P/s: Bài viết có chứa một số quan điểm cá nhân. Em mới tham gia tìm hiểu về ngành này được ít lâu ạ, vậy nên nếu có phần nào trong bài viết chưa ổn em rất mong được lắng nghe những ý kiến phản hồi của anh chị để em có thể hiểu sâu hơn. Cuối cùng là gửi lời cảm ơn sâu sắc tới một người chị đặc biệt ở Sài Gòn đã giúp em chau chuốt lại bài viết này ạ.
Nguồn: Coin68, Coin98, Reuters, Coindesk, Forbes, The Business Research Company.
Vote sao
Thẻ tìm kiếm: